KINH DOANH
ĐẦU TƯ KINH PHÍ “KHỦNG”, NHÀ MÁY Ô TÔ SAMCO VẪN BẤT NGỜ NGỪNG HOẠT ĐỘNG?
Là dự án được chọn làm đối tác chiến lược, sử dụng công nghệ tiên tiến của FUSO (Nhật Bản) để sản xuất dòng xe khách 29 chỗ mang thương hiệu FUSO ROSA nhưng SCV lại “thất bại” khi đưa vào hoạt động.
Dự án nhà máy ô tô thương mại SAMCO (SCV) do Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) đứng ra đầu tư, xây dựng với tổng diện tích gần 40.000m2 và toạ lạc tại lô E3, E4 Khu Công nghiệp Cơ khí ô tô TP HCM, thuộc xã Hoà Phú và xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM.
Với tổng vốn đầu tư hơn 114 tỉ đồng, công suất khoảng 1.000 xe/năm, dự án được khởi công từ tháng 11/2014 và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 9/2015.
Điều đáng chú ý, đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam được Công ty TNHH Mercedes Việt Nam chọn làm đối tác chiến lược, sử dụng công nghệ tiên tiến của FUSO (Nhật Bản) để sản xuất dòng xe khách 29 chỗ mang thương hiệu FUSO ROSA. Ngoài ra, sự vận hành của nhà máy cũng được các chuyên gia từ Nhật trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ.
Mặc dù giá trị mức đầu tư vào dự án rất lớn, nhưng dự án này lại hoạt động không hiệu quả, thua lỗ. Cụ thể, trong 2 năm hoạt động, theo báo cáo kết quả kinh doanh của nhà máy SCV thì mức thua lỗ đã lên đến 38 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017 nhà máy đã chấm dứt hoạt động và dòng xe khách FUSO ROSA cũng đã không còn tiếp tục được sản xuất tại SAMCO mà được chuyển giao cho một đơn vị khác bao gồm thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý.
Tuy nhiên, việc thua lỗ này lại không được SAMCO thể hiện trong “Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2013 – 2017”, cũng không thấy SAMCO báo cáo nội dung liên quan đến SCV với cơ quan đại diện chủ sở hữu là UBND TP.HCM.
Mặc dù giá trị mức đầu tư rất lớn nhưng dự án này lại hoạt động không hiệu quả, thua lỗ.
Trái ngược với tình trạng thua lỗ, “đóng cửa” của dự án SCV thì thông tin từ SAMCO lại đưa ra những con số gây chú ý. Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên 2018 của Tổng công ty SAMCO, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.454 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 312 tỷ đồng, tăng trưởng 40%.
Tăng trưởng lợi nhuận của SAMCO là khoản lợi nhuận đột biến hơn 203,8 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết. Cùng kỳ 2017, khoản lợi nhuận này chỉ ở mức 12 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2018, tổng tài sản của SAMCO đạt 6.394 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 43%, tương đương 2.763 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thua lỗ này lại không được SAMCO thể hiện trong các bản báo cáo tài chính
Đồng thời, SAMCO cũng thể hiện sự thiếu trung thực khi báo cáo kết quả kinh doanh trong “Báo cáo sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018”.
Theo báo cáo trên, ở cột lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng 2018, SAMCO ghi là 988,051 tỷ đồng, trong khi đó, con số chính xác khi cộng phải là 875,965 tỷ đồng.
Cũng tại báo cáo trên, nếu nhìn vào Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh tổng công ty, ước tính 6 tháng đầu năm 2018 có thể dễ dàng nhận thấy 80% lợi nhuận của SAMCO đến từ các doanh nghiệp liên doanh, còn lại chỉ khoảng 20% lợi nhuận của SAMCO là thu từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc SAMCO.
Việc SAMCO “ngẫu nhiên” để sót thông tin và sai lệch con số trong các bản báo cáo trên nhằm vào mục đích gì? Khi xảy ra việc đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn nhà nước thì ai là người chịu trách nhiệm. Về phía bộ máy quản lý, điều hành của SAMCO, ông Nguyễn Hồng Anh, (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Quốc Toản (Tổng Giám đốc) sẽ đưa ra phương án như thế nào để tiếp tục lãnh đạo công ty này?
Nguồn: Báo mới