096 300 88 39

Nhhững điều cần biết về phanh ô tô

Do đặc điểm xe ô tô có khối lượng lớn và di chuyển với tốc độ cao nên khi phanh sẽ sinh ra lực quán tính rất lớn, khi cua sinh ra ly tâm cũng rất lớn. Chúng khiến áp lực lên mặt đường tại mỗi bánh sẽ có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, khi đi thẳng mà phanh gấp thì áp lực từ hai bánh sau được chuyển đáng kể lên cho hai bánh trước (khiến đầu xe bị dúi xuống còn đuôi xe bổng lên). Còn khi cua thì áp lực hai bánh phía trong chuyển bớt cho hai bánh phía ngoài (khiến nghiêng xe).

Khi đó, nếu đạp phanh mạnh thì dễ bị bó phanh, đặc biệt là hai bánh sau khi phanh trên đường thẳng hoặc hai bánh phía trong khi phanh trên đường cong.

Để không bị mất lái do bị bó phanh thì người ta trang bị tổ hợp gồm các van thủy lực điều khiển bằng điện và bơm dầu để thực hiện giảm áp lực dầu phanh đến các bánh khi phát hiện có bánh bị bó phanh rồi lại tăng áp trở lại để tăng hiệu quả phanh gọi là hệ thống chống bó cứng phanh (ABS).

Để phanh được hiệu quả hơn thì cần linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh áp suất dầu đến hai bánh sau khi trên đường thẳng hoặc hai bánh phía trong khi cua mà không cần giảm ở hai bánh còn lại người ta gọi đó là chức năng phân bổ lực phanh điện tử (EBD).

Còn để giúp cho xe được ổn định khi đi trên đường cua gấp với tốc độ cao thì người ta trang bị cho xe các cảm biến về phương hướng của xe và cảm biến góc lái. Khi phát hiện xe bị chệch hướng thì bộ điều khiển sẽ tự động điều lực phanh độc lập đến một hoặc ba bánh đồng thời giảm công suất của động cơ để giúp xe dần trở về phương tương ứng với góc lái. Chức năng này gọi là chức năng cân bằng điện tử (VSC, ESP)

Trong trường hợp khẩn cấp, người lái đạp phanh rất nhanh nhưng không đủ sâu (có thể do tư thế ngồi hay kỹ năng kém) thì bơm dầu sẽ được kích hoạt để cung cấp đủ áp dầu cần thiết. Chức năng này được gọi là hỗ trợ phanh khẩn cấp (EBA).

Trong trường hợp xe đi vào đường trơn hoặc bị đạp ga quá sâu khi bắt đầu khởi hành khiến các bánh dẫn (bánh nhận lực trực tiếp từ hộp số) bị quay trơn khiến xe có thể mất lái. Khi đó các cảm biến tốc độ sẽ phát hiện ra và gửi tín hiệu cho bộ điều khiển để tự động thực hiện lực phanh trên bánh bị quay trơn đồng thời giảm công suất động cơ. Chức năng này gọi là hệ thống chống quay trơn (ATF).

Một chiếc xe được trang bị đủ các chức năng trên sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên nó chỉ để chống nên yếu tố phòng – sự cẩn trọng của người lái vẫn quan trọng hơn.

Theo H. Nguyên